fbpx

Thang đo độ cứng Mohs cho đá quý & bảng độ cứng 100 loại đá

Thang đo độ cứng mohs

Nếu bạn là một người yêu thích đá quý chắc hẳn đã không còn xa lạ với thang đo Mohs – phương pháp đo độ cứng được ứng dụng rộng rãi trong ngành trang sức đá quý. Tìm hiểu những thông tin liên quan đến thang đo này sẽ giúp bạn có thêm kiến thức để bảo quản món đồ trang sức của mình một cách tốt hơn. Do đó, hãy theo chân chúng tôi tìm hiểu chi tiết về thang đo độ cứng Mohs trong bài viết dưới đây nhé.

Ngoài ra Sen có tổng hợp rất nhiều các loại đá phong thuỷ khác ở link sau: Tìm hiểu đá phong thuỷ.

Tìm hiểu về thang độ cứng Mohs

Thang độ cứng Mohs là gì?

Thang độ cứng Mohs là một tập hợp 10 khoáng chất tham chiếu ( được đánh số từ 1 đến 10) được sử dụng để xác định độ cứng tương đối của khoáng chất và các vật thể khác. Trong thử nghiệm này, độ cứng của khoáng chất được định nghĩa là khả năng chống trầy xước của nó. Danh sách các khoáng chất theo thang độ cứng Mohs được trình bày trong bảng bên dưới.

Khoáng chất Độ cứng Độ bền Thông tin có thể bạn chưa biết
Talc 1 Tương đối mềm, có thể bị xước bởi móng tay Dùng trong phấn rôm trẻ em và một số loại mỹ phẩm
Thạch cao 2 Sẽ bị xước nếu quẹt phải móng tay Sản xuất tấm ốp tường, xi măng
Canxit 3 Có thể bị xước nếu va chạm với đồng xu Được sử dụng làm vật liệu xây dựng, bột màu
Đáhuỳnh quang 4 Bị làm xước bởi đinh ốc Dùng trong nhiều quy trình hóa học, luyện kim và gốm sứ
Apatit 5 Bị làm xước bởi đinh ốc Có thể bị xước bởi kim loại như thép
Feldspar 6 Có thể bị xước bởi kim loại như thép Dùng trong sản xuất thủy tinh, gạch men.
Thạch anh 7 Có thể làm xước kính cửa sổ Là thành phần chính của bãi biển và cát sa mạc
Topaz 8 Có thể làm xước kính chịu lực Đá quý đa dạng màu sắc
Corundum 9 Có khả năng làm trầy xước những viên đá topaz Hồng Ngọc và Sapphire
Kim cương 10 Chỉ có thể bị làm xước bởi một viên kim cương khác Loại đá quý đắt đỏ bậc nhất

Trước khi tìm hiểu chi tiết: Xem bảng tra cứu độ cứng 100+ loại đá top đầu

Bảng độ cứng mohs 100 loại đá quý

Bạn xem bảng độ cứng này, nếu thích loại đá nào…thì inbox hỏi Sen liền tay nhé.

Ai là người đã tạo nên thang đo Mohs?

Thang độ cứng Mohs được ra mắt công chúng vào năm 1812 bởi một nhà địa chất và khoáng vật học nổi tiếng người Đức – Friedrich Mohs. Ông đã đề cập đến thang đo này trong cuốn sách “Versuch einer Elementar-Methode zur naturhistorischen Bestimmung und Erkennung der Fossilien”  của mình.

Chân dung cha đẻ của thang đo độ cứng Mohs

Khi Friedrich Mohs phát triển thang đo độ cứng của mình vào năm 1812 có rất ít thông tin về độ cứng của khoáng vật. Thang đo Mohs đã đứng vững trước thử thách của thời gian và được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới trong hơn hai thế kỷ qua. Bởi nó rất dễ thực hiện, dễ hiểu và tiết kiệm chi phí. Các thử nghiệm độ cứng khác cũng đã được giới thiệu nhưng không có thử nghiệm nào được ứng dụng phổ biến như vậy.

Cách xác định độ cứng của đá quý ứng dụng thang Mohs

Nếu bạn có một mẫu khoáng chất có độ cứng không xác định và khoáng chất tham chiếu thứ năm (apatit) có thể làm trầy xước nó thì tức là độ cứng của mẫu vật nhỏ hơn hoặc bằng độ cứng Mohs là 5. Tương tự, nếu mẫu vật của bạn không bị ảnh hưởng bởi khoáng chất tham chiếu số 5 thì độ cứng của nó sẽ lớn hơn hoặc bằng 5 trên thang đo Mohs.

Bằng cách thực hiện các thử nghiệm liên tiếp với các mẫu vật tham chiếu khác nhau, bạn có thể ước tính chính xác độ cứng Mohs của mẫu vật.

Quy trình kiểm tra độ cứng theo thang đo Mohs:

  • Bắt đầu bằng cách xác định vị trí bề mặt nhẵn, không trầy xước của mẫu vật để thử nghiệm.
  • Giữ chặt mẫu thử có độ cứng chưa biết trên mặt bàn sao cho bề mặt cần thử lộ ra và đủ rộng để có thể tiếp cận được.
  • Mặt khác giữ một mẫu có độ cứng tiêu chuẩn trên thang đo Mohs và đặt một điểm của mẫu đó lên bề mặt phẳng đã chọn của mẫu chưa biết.

Quy trình kiểm tra độ cứng

  • Nhấn mạnh đầu của mẫu chuẩn vào mẫu chưa biết với áp lực chắc chắn, sau đó kéo đầu của mẫu chuẩn trên bề mặt của mẫu chưa biết.
  • Kiểm tra bề mặt của mẫu và chưa biết. Dùng tay phủi sạch mọi máy khoáng chất hoặc bột được tạo ra. Kiểm tra xem quá trình trước đó có tạo ra vết xước hay không? Lưu ý thật cẩn thận để không nhầm lẫn bột khoáng hoặc cặn với vết xước. Bạn có thể sử dụng kính lúp để quan sát tốt hơn.
  • Tiến hành kiểm tra lần thứ hai để xác nhận kết quả.

Mẹo kiểm tra độ cứng theo thang đo Mohs

  • Nếu độ cứng của mẫu vật chưa biết đạt 5 điểm hoặc thấp hơn trên thang đo Mohs, bạn có thể dễ dàng tạo ra vết xước mà không cần dùng nhiều sức. Tuy nhiên nếu mẫu và chưa biết có độ cứng lớn hơn 6 thì việc tạo ra vết xước sẽ cần một lực lớn hơn khá nhiều.
  • Một số vật liệu cứng cũng khá giòn. Nếu viên đá cần kiểm tra của bạn bị vỡ thay vì trầy xước, bạn sẽ phải rất cẩn thận khi tiến hành thử nghiệm.
  • Một số loại đá có thể chứa tạp chất. Nếu kết quả kiểm tra của bạn không rõ ràng hoặc nếu thông tin từ kiểm tra không phù hợp với các thuộc tính khác, đừng ngần ngại thực hiện kiểm tra lại.

Đá quý thô có thể chứa tạp chất ảnh hưởng đến kết quả

  • Lưu ý thật cẩn thận trong quá trình kiểm tra bằng cách này, hãy giữ chặt hai viên đá tránh trường hợp mẫu vật trượt khỏi tay và gây tổn thương cho bạn.
  • Một giải pháp thay thế cho việc sử dụng các khoáng chất tham chiếu để thử nghiệm là lựa chọn bút kiểm tra độ cứng. Những chiếc bút này có các điểm kim loại sắc nhọn mà bạn có thể sử dụng để thử nghiệm cho kết quả chính xác.
  • Các nhà nghiên cứu đã tiến hành kiểm tra và đưa ra một danh sách các khoáng chất theo thứ tự độ cứng hoặc sắp xếp theo bảng chữ cái. Bạn có thể tham khảo danh sách này để tiết kiệm thời gian và công sức.

Độ cứng của một số đồ vật quen thuộc có thể ứng dụng trong quá trình kiểm tra

  • Móng tay con người có thể đạt độ cứng từ 2 đến 2,5.
  • Độ cứng của thủy tinh dao động trong khoảng từ 4 đến 7.
  • Độ cứng của lưỡi dao thép dao động trong khoảng từ 5 đến 6.5.

Các yếu tố ảnh hưởng đến độ bền của đá quý theo thang Mohs

Độ dẻo dai

Độ dẻo dai của đá quý được xem xét dựa trên khả năng chống nứt vỡ. Điều này được quyết định bởi sự liên kết của các nguyên tử phía trong. Liên kết này càng chặt chẽ thì đá quý có độ bền càng cao và khó bị làm vỡ.

Một điều quan trọng bạn cần lưu ý đó là độ cứng và độ bền của đá quý không đi kèm với nhau. Tức là một viên đá quý có độ cứng lớn cũng chưa chắc đã bền hơn các viên đá khác mềm hơn. Ví dụ, mặc dù kim cương có độ cứng gần như tuyệt đối nhưng lại dễ vỡ hơn các loại đá khác.

Độ cứng

Kim cương có khả năng làm xước hầu hết các viên đá khác

Như đã nhắc tới ở trên, độ cứng của đá quý được thể hiện qua khả năng chống bị mài mòn và trầy xước. Số thứ tự của các loại đá quý trên thang đo Mohs được xếp dựa trên việc kiểm tra độ cứng với khả năng chịu trầy xước một cách khá tương đối nhưng vẫn đảm bảo kết quả chính xác. Bạn có thể thấy, chỉ những viên đá có cùng điểm hoặc lớn hơn trên thang đo Mohs mới có khả năng làm viên đá ấy bị xước.

Tính ổn định

Tính ổn định của đá quý sẽ được xác định thông qua mức độ ảnh hưởng của các yếu tố môi trường bên ngoài lên viên đá đó. Một số tác nhân được cho là có khả năng ảnh hưởng tiêu cực đến độ ổn định của đá quý:

  • Nhiệt độ thay đổi đột ngột.
  • Độ ẩm thấp.
  • Tiếp xúc với ánh sáng trong thời gian dài.
  • Hóa chất.
  • Phương pháp xử lý bề mặt hoặc nhuộm màu cho đá quý.

Bảng tổng hợp độ cứng của một số loại đá quý phổ biến theo thang Mohs

Độ cứng của một số loại đá quý phổ biến

Đá quý Độ cứng
Kim cương 10
Ruby 9
Sapphire 9
Alexandrite 8.5
Spinal 8
Topaz 8
Emerald 7.5 – 8
Aquamarine 7.5 – 8
Thạch anh 7
Ziron 6.5 – 7.5
Mã não 6.5 – 7
Chalcedony 6.5 – 7
Cẩm thạch 6.5 – 7
Đá Mặt Trăng 6 – 6.5
Ngọc Bích 6 – 6.5
Ngọc Trai 2.5 – 4.5
Hổ phách 2 -2.5

Hướng dẫn cách bảo quản trang sức đá quý

Vẻ đẹp và giá trị của trang sức đá quý sẽ bị ảnh hưởng nếu chúng bị trầy xước, nứt vỡ hay mài mòn. Do đó, bạn nên biết cách chăm sóc và bảo quản trang sức từ đá quý. Dưới đây là một số mẹo để bạn có thể tham khảo:

  • Theo thông tin đã đề cập phía trên, đá quý có thể bị trầy xước nếu va chạm vào những viên đá khác có độ cứng lớn hơn. Bạn nên ứng dụng điều này vào việc cất giữ các loại trang sức từ đá quý của mình. Không nên để những viên đá trong cùng một chiếc túi hoặc hộp mà không có lớp bảo vệ bao quanh chúng. Cách tốt nhất là giữ cho những viên đá không chạm vào nhau.

Hướng dẫn bảo quản trang sức đúng cách

  • Không nên đeo những viên đá có độ cứng thấp như một món đồ trang sức hàng ngày. Bởi chúng rất dễ bị trầy xước.
  • Đối với những viên đá có độ cứng thấp, bạn nên lựa chọn những loại trang sức ít có khả năng bị va chạm như khuyên tai hoặc dây chuyền.

Giải đáp một số câu hỏi liên quan đến thang độ cứng Mohs

Trang sức đá quý nên đạt độ cứng bao nhiêu trên thang Mohs?

Trang sức đá quý nên đạt độ cứng từ 7 điểm trở lên trên thang đo Mohs để đảm bảo độ bền tốt hơn. Với những viên đá quý có độ cứng lớn như ruby, sapphire hay kim cương, bạn hoàn toàn có thể đeo chúng ở bất kỳ hoàn cảnh nào. Bạn vẫn có thể lựa chọn những viên đá có độ cứng thấp hơn. Tuy nhiên hãy nhớ chăm sóc chúng một cách cẩn thận.

Thang Mohs có nhược điểm nào hay không?

Mặc dù được ứng dụng phổ biến nhưng thang đo độ cứng Mohs vẫn còn tồn tại một số nhược điểm. Trước hết, thang đo này không đảm bảo tính chất tuyến tính. Tức là khoảng cách độ cứng giữa hai loại đá quý gần nhau chưa chắc đã đều nhau. Tiếp theo đó, việc thực hiện kiểm tra độ cứng theo thang đo Mohs có thể khiến mẫu vật bị hư hỏng thậm chí là bị phá hủy hoàn toàn. Do đó, người ta thường không sử dụng phương pháp này trong việc kiểm tra đá quý đã qua chế tác hoặc có giá trị lớn.

Viên đá quý nào có điểm cao nhất trên thang độ cứng Mohs? Loại nào có điểm thấp nhất?

Kim cương có độ cứng lớn nhất trên thang đo Mohs

Viên đá quý có độ cứng cao nhất trên thang đo Mohs là kim cương, trong khi đó cái tên có độ cứng thấp nhất là talc. Tuy nhiên, trên thực tế, kim cương không phải là khoáng vật cứng nhất được biết đến. Các nhà nghiên cứu đã báo cáo rằng wurtzite boron nitride và lonsdaleite có thể cứng hơn cả kim cương. Tương tự, bạn cũng có thể tìm thấy một số kim loại mềm hơn talc, có thể kể đến như: natri, kali,…

Hi vọng qua những thông tin xoay quanh thang đo Mohs trên bạn đã có thêm những kiến thức hữu ích. Nếu cần giải đáp thắc mắc hoặc tư vấn thêm về các loại đá quý, đừng quên liên hệ với chúng tôi để nhận được phản hồi sớm nhất.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chat Facebook
Chat zalo